THÔNG BÁO VỀ TÌNH HÌNH DỊCH CÚM A(H1N1)

| 0 nhận xét

THÔNG BÁO

VỀ TÌNH HÌNH DỊCH CÚM A(H1N1)

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế xin thông báo 01 ca tử vong liên quan đến cúm A(H1N1) ngày 31/11/2009 như sau:

Bệnh nhân nam, 57 tuổi, địa chỉ: phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh sốt rét ác tính ở Châu Phi tái phát nhiều lần.


Ngày 22/11/2009 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, mệt mỏi sau đó 2 ngày hết sốt. Đến 24/11/2009 bệnh nhân sốt trở lại theo chu kỳ, ở nhà có điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường nhưng không đỡ.

Ngày 29/11/2009 bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện Việt Pháp trong tình trạng sốt cao, đau đầu, ho khan, khó thở, co giật các cơ mặt. Tại đây bệnh nhân được khám, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, đến ngày 31/11/2009 bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Nhiễm trùng máu/Suy hô hấp/Sốt rét ác tính.

Ngày 07/12/2009, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1).

Như vậy, đến 17h00 ngày 10/12/2009, Việt Nam đã ghi nhận 11.040 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), 47 trường hợp tử vong.

Khuyến cáo của Bộ Y tế:

Hiện nay thời tiết đang là mùa đông tạo điều kiện thuận lợi cho dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1.Học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn; nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan.

2.Những người đang công tác tại các công sở, đặc biệt người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chung cư, ký túc xá... nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

3.Phụ nữ có thai đặc biệt là phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mới sinh là đối tượng nguy cơ cao, dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong cho cả mẹ và con.

4.Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ cảm nhiễm với cúm A(H1N1), nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đưa cháu đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chữa trị kịp thời.

5.Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống...), người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời.

6.Hiện nay, dịch cúm A(H1N1) tiếp tục lây lan mạnh trong cộng đồng kể cả ở các khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố, trong đó đã có trường hợp tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân, kể các những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay tới cúm A(H1N1) và đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời.

7.Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

8.Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).

Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, bộ/ban ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của đại dịch.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét