Nguồn gốc ngày Quốc tế thiếu nhi 1 - 6

| 0 nhận xét
Có lẽ đây là ngày lễ "đa dạng" nhất, không chỉ vì... mỗi nơi một thời gian khác nhau mà còn vì mỗi quốc gia đều có thể đưa ra một lý do, một nội dung khác nhau cho ngày lễ này. Quốc Tế Thiếu Nhi trên thế giới

Tuy nhiên, một điểm chung là dù ở đâu đi nữa, trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi, các em nhỏ cũng là trung tâm của sự kiện, được quan tâm hơn, được tham gia các chương trình, trò chơi vui vẻ và được nhận quà từ cha mẹ, người quen.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi được coi là có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.Ở nước này, từ năm 1920 trở đi, trẻ em có một Ngày Thiếu Nhi vào 23-4. Năm 1925, trong phiên họp của Đại hội Phúc lợi Thiếu nhi Quốc tế tại Ganeva, Thụy Sĩ, Đại hội đã kêu gọi thế giới nên dành ngày 1-6 cho Ngày Thiếu Nhi Quốc tế.

Tuy nhiên, như ở dạng hiện tại, Ngày Quốc tế Thiếu nhi gắn liền với Nghị quyết tháng 11-1949 của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, với mục đích tổ chức những chiến dịch cứu trợ trẻ em tại những quốc gia chậm phát triển hoặc đang lâm vào cảnh chiến tranh. Nhiều nước trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi này, đặc biệt là các nước thuộc khối XHCN (cũ), và thông thường đã chọn ngày 1-6 làm Quốc tế Thiếu nhi.

Dường như Việt Nam và phe XHCN (cũ) đã đặt thêm một nội dung mới, trên cơ sở ý thức hệ và chính trị, cho ngày 1-6 truyền thống. Theo các nguồn Việt Nam thì lịch sử ngày 1-6 được thuật lại như sau:

"Vào rạng sáng ngày 1-6-1942, bọn phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.

Hai năm sau, ngày 10-6-1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Căm phẫn trước tội ác dã man của bọn phát xít Đức, cả loài người tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đấu tranh để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, nhà nước Tiệp Khắc lúc bấy giờ đã cho xây dựng lại làng Li-đi-xơ và Đài tưởng niệm để ghi sâu tội ác của bọn phát xít.

Tháng 12-1949, Liên hiệp Hội phụ nữ Á Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đề nghị và được Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới chọn ngày 1-6 hàng năm làm ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, nhằm nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Li-đi-xơ và Ô-ra-đua của bọn phát xít, và hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em".

Những ngày lễ khác của Thiếu nhi thế giới
Các tổ chức quốc tế lớn còn đề xuất một số ngày lễ dành cho thiếu nhi, dù những dịp này không được biết đến nhiều như 1-6.

Ít người để ý rằng tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), từ năm 1954, đã đề ra Ngày Thiếu Nhi Thế giới vào 20-9 để hướng sự chú ý của thế giới vào công cuộc giúp đỡ trẻ em tại các nước chậm phát triển. Nhiều quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi này và hàng năm, tổ chức Ngày Thiếu nhi vào 20-9.

Ngày 20-11-1959, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên bố về quyền trẻ em và từ đó, ngày này trở thành Ngày Quyền trẻ em Thế giới. Đây là một dịp rất có ý nghĩa và bổ sung được thêm một mục đích của Ngày Thiếu nhi, so với tiêu chí ban đầu (là hỗ trợ trẻ em những quốc gia đói kém và bị ảnh hưởng của chiến tranh).

Độc lập với các đề xướng của những tổ chức quốc tế lớn, mỗi quốc gia còn có thể có những Ngày Thiếu nhi vào thời điểm riêng, theo đặc thù từng địa phương. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có đưa ra một số dữ liệu thú vị trong vấn đề này:

Tại Ấn Độ, Ngày Thiếu nhi là 14-11, trùng với ngày sinh của thủ tướng đầu tiên của nước này, ông Jawaharlal Nehru, người nổi tiếng vì tình thương yêu trẻ em và vì thế, thường được gọi bằng cái tên "Bác Nehru". vào dịp này, các trường sở tổ chức những chương trình văn hóa và những cuộc thi cho cả học sinh lẫn thày cô giáo.

Tại Đức, trước khi thống nhất, Đông Đức kỷ niệm Quốc tế Thiếu nhi vào 1-6 và Tây Đức vào 20-9, nhưng hai ngày này chỉ mang tính chất những ngày thể thao trong nhà trường, thậm chí nhiều người còn không biết đến chúng như ngày hội của thiếu nhi. Từ năm 1990, Quốc tế Thiếu Nhi ở CHLB Đức được ấn định thống nhất là 1-6.

Tại Nhật Bản, từ năm 1948, Ngày Trẻ em 5-5 là ngày nghỉ và cũng là ngày lễ quốc gia; người Nhật coi ngày này có nguồn gốc từ Trung Quốc và vào dịp ấy, các gia đình - theo truyền thống - lại cùng nhau thả diều.

Điểm đặc biệt là tại vùng Trung và Nam Mỹ, gần như Ngày Thiếu nhi của mỗi quốc gia đều được tổ chức vào những thời điểm khác nhau. Ở Argentina, đó là Chủ nhật thứ hai của tháng Tám, ở Brazil là 12-10, ở Chile là Chủ nhật đầu của tháng Tám, ở Colombia là hai ngày cuối tuần của tháng Tư, ở Peru là 14-10, ở Mexico là 30-4, ở Cuba là Chủ nhật thứ ba của tháng Bảy...

Ngày Thiếu nhi tại Hungary

Thực ra, không phải chờ đến năm 1950 mà trước đó khá lâu, Hungary đã kỷ niệm Ngày Thiếu nhi. Thời Đế chế Áo - Hung, Hội Bảo Vệ Trẻ Em Quốc gia đã kỷ niệm lần đầu Ngày Thiếu nhi vào năm 1906 và từ đó đến Đệ nhị Thế chiến, việc tổ chức Ngày Thiếu nhi vào một thời điểm không cố định, nhưng thường là vào tháng Năm, đã trở thành một truyền thống tại Hungary.

Thông thường, trong vòng hai ngày, các phụ nữ quý tộc giương ô đi dạo và quyên tiền vào những hộp đựng tiền màu xanh lá cây cho trẻ em. Có thời kỳ, nước Hung tổ chức cả một Tuần lễ Thiếu Nhi (lần đầu vào tháng 5-1931), với mục đích hàng đầu là từ thiện. Những "chiến dịch" quyên góp cho trẻ em thời ấy có lúc thành công, có lúc không, nhưng dần dần đã được xã hội chấp nhận và ủng hộ. Thực chất, Hungary đã trở thành quốc gia đề xướng việc quyên tiền giúp đỡ trẻ em tại Châu Âu, và "sáng kiến" này đã lan tỏa sang nhiều quốc gia Châu Âu sau đó.

Chúc các bạn nhỏ luôn là những cô cậu bé đáng yêu, luôn luôn vui tuơi hồn nhiên, ngây thơ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét